Việt Nam là thị trường hấp dẫn với nhà đầu tư trung hạn
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, có 11 tỷ USD nguồn vốn FDI trong 8 tháng đầu năm 2015. Thông tin từ RCA ghi nhận có 763 triệu USD cho riêng lĩnh vực bất động sản trong khoảng thời gian này.
Thông qua các số liệu nghiên cứu từ JLL cho thấy, hoạt động M&A bất động sản tại Việt Nam trong năm qua sôi động hơn hẳn so với năm 2014 và xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục tăng trong các quý tới đây. Hiện tại, số lượng nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào khu vực Đông Nam Á khá lớn và Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút nhiều sự quan tâm cũng như là “tầm ngắm” của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Nếu so sánh thì Việt Nam đang trở thành địa điểm hấp dẫn đối với vốn đầu tư nước ngoài trong trung hạn hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Dữ liệu từ tổ chức Real Capital Analytics (RCA) cũng ghi nhận sự quan tâm nhiều hơn từ một số quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài đang phân bổ nguồn vốn sang Việt Nam nhằm cố gắng tăng sự hiện diện trên thị trường Việt Nam. Trong quý II/2015, một liên doanh con của Warburg Pincus, quỹ đầu tư từ Mỹ, đã đầu tư thêm 100 triệu đô vào Vincom Retail, nhà sở hữu và vận hành trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam.
Cũng trong quý này, Gaw Capital Partners cùng với đối tác trong nước, NP Capital, đã nhận chuyển nhượng bốn dự án bất động sản thuộc nhiều phân khúc khác nhau từ Indochina Land với tổng giá trị 106 triệu USD. Gamuda Land cũng đã nhận chuyển nhượng 40% cổ phần (tương đương 64,1 triệu USD) trong dự án Celadon City, một khu đô thị hiện đại được đầu tư ban đầu bởi một công ty liên doanh giữa Sacomreal, Thành Thành Công (TTC) và An Phú Gia. Mapletree liên doanh với Công ty Cổ phần Phát triển Đầu Tư Sài Gòn Co-op (SCID) đầu tư phát triển trung tâm thương mại SC Vivocity Quận 7, Tp.HCM, CapitaLand tăng cường hoạt động đầu tư với việc phát triển dự án Sài Gòn Centre giai đoạn 2 và Estella giai đoạn 2 & 3.
Theo các chuyên gia bất động sản, hoạt động mua bán sáp nhập dự án sẽ diễn ra sôi động trong năm 2016. Ảnh: Cafeland |
Đa số các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm kiếm các bất động sản thương mại đang có doanh thu, lựa chọn liên kết với các đối tác trong nước có uy tín để có chỗ đứng trên thị trường là phương phức phổ biến nhất. Hiện tại, hầu hết các giao dịch trong thị trường được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong Novaland, An Gia và tập đoàn Vingroup. Các tập đoàn trong nước có lợi thế đi trước, hiểu rõ biến động thị trường và có khả năng thực hiện dự án nhanh hơn nhiều so với các tập đoàn nước ngoài.
Xu hướng đầu tư đang chuyển sang phân khúc trung cấp – bình dân
Hiện tại, nhiều quỹ đầu tư quốc tế uy tín có ý định đầu tư vào thị trường Việt Nam đang đặc biệt quan tâm đến thị trường BĐS phân khúc trung cấp – bình dân thay vì cao cấp như trước kia. Theo khảo sát của JLL, các quỹ đầu tư lớn như TPG Capital, Shenning Investments, Asia Capital Reinsurance, Standard Chartered Private Equity, Partners đều đưa ra nhận định chung là xu hướng phát triển BĐS tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ hướng đến phân khúc trung cấp, bình dân. Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam trong trung hạn và tốc độ đô thị hóa sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Ngoài ra, có một số lượng lớn các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Philippines and Indonesia đang tích cực tìm kiếm để sở hữu một phần của chiếc bánh bất động sản Việt Nam.
Theo JLL, Việt Nam hiện đang có nền kinh tế phát triển ổn định, thị trường BĐS đã chạm đáy và bước vào chu kỳ mới. Theo số liệu từ Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB mức tăng trưởng GDP cho Việt trong năm 2015 lên 6.5%, là mức cao nhất trong sáu quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Philippines. Ngược lại, Indonesia và Malaysia đang trải qua việc giảm tốc độ tăng trưởng GDP, do hoạt động xuất khẩu yếu kém và xung đột chính trị. Thêm vào đó, dựa vào số liệu của CEIC, doanh thu bán lẻ Việt Nam đang tăng nhanh với mức tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á đang phải chịu sự suy giảm (ví dụ Singapore và Thái Lan). Là một yếu tố thể hiện niềm tin người tiêu dùng, doanh thu bán lẻ Việt Nam có thể giúp tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh sự cải thiện của thị trường bất động sản, những thay đổi tích cực trong các chính sách và quy định pháp luật liên quan đến thị trường đầu tư. Luật doanh nghiệp Việt Nam 2014 đã cho phép các hoạt động M&A có thể thực hiện giữa các doanh nghiệp khác loại hình. Đây là sự một thay đổi tích cực cho hoạt động M&A tại Việt Nam, việc cải thiện quá trình cấp phép đầu tư, đặc biệt cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài cũng giúp các hoạt động M&A được tiến hành hoàn toàn theo Luật Doanh nghiệp, không cần theo cả Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Như vậy, yêu cầu khó khăn nhất của việc có Giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện hoạt động M&A đã được bỏ.
Việc nới lỏng về luật liên quan đến quyền sở hữu bất động sản dành cho người nước ngoài trong năm 2014 cũng hỗ trợ cho sự tăng trưởng của hoạt động M&A tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài không cần thành lập một công ty mới khi muốn nhận chuyển nhượng ít hơn 51% cổ phần của một dự án phát triển. Đối tác chuyển nhượng chỉ cần làm thủ tục đăng ký thay đổi danh sách cổ đông của họ.
Phương Uyên
(Theo Nhịp sống thời đại)
Đăng nhận xét